SỬ DỤNG LA BÀN TÌM PHƯƠNG HƯỚNG
1. Hướng Bắc từ, hướng Bắc địa dư, độ từ thiên:
– Khi sử dụng la bàn, ta cần nhớ rằng hướng Bắc của la bàn (còn gọi là Bắc Từ) không trùng với hướng Bắc của cực (trục) Trái Đất. Chúng cách nhau tới gần 2.000km (tức khoảng 13,8 độ Vĩ Tuyến – dài xấp xỉ chiều dài nước Việt Nam). Độ lệch đó gọi là Độ từ thiên.
– Độ từ thiên thay đổi tùy theo vị trí nơi ta đứng trên Trái Đất. Ở một số nơi, Độ từ thiên còn thay đổi theo thời gian.
– Điểm tập trung Bắc từ trường của trái Đất nằm ở trên đảo Bathustle thuộc miền Bắc nước Canada, đó là một hòn đảo từ trường cách chính diện cực Bắc 13,8 độ. Tọa độ địa lý của Bathustle là 101 độ kinh Tây và 76,2 độ Vĩ Bắc. Nơi đây là trung tâm điểm từ trường của cực Bắc. Do đó, tất cả những loại nam châm (hoặc những kim loại có từ tính) trên quả địa cầu này đều có một cực chỉ về hướng Bắc.
– Còn điểm Nam từ trường thì nằm ở ngoài khơi biển Nam Băng Dương, có tọa độ địa lý là 139 độ kinh Đông và 65 độ vĩ Nam (theo số liệu của Cục đo đạc bản đồ – năm 1970).
– Lợi dụng đặc điểm này, người ta đã tạo ra la bàn để định hướng. Theo các nhà khảo cổ thì những người Trung Hoa đã tìm ra nguyên tắc từ trường và sáng chế ra la bàn từ khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên.
– Ở nước ta, Bắc la bàn xem như gần trùng với hướng bắc của quả đất, độ từ thiên không quá 1 độ.
2. Chú ý khi tìm phương hướng bằng la bàn:
– Vì ảnh hưởng của địa từ trường khác nhau theo vị trí của mọi nơi trên trái đất, thành thử la bàn không phải là một dụng cụ tìm phương hướng đúng lắm.
– La bàn còn hay bị lệch vì ảnh hưởng của các vật xung quanh hay do tật của chính nó nữa. Do đó những la bàn dùng trên các thuyền đánh cá loại nhỏ thường có ốc điều chỉnh.
– Người ta còn quy định khi sử dụng la bàn phải tránh xa những mạch điện cao thế hay những vật bằng sắt. Sau đây là khoảng cách an toàn tối thiểu:
+ Những dây điện cao thế 60m
+ Hàng rào, kẽm gai, dây điện tín 10m
+ Trọng pháo, chiến xa 20m (quân đội)
+ Mũ sắt, súng cá nhân 01m (quân đội)
– Cách giữ gìn: Ta không nên để la bàn nơi ẩm thấp và chỗ nóng, vì như thế nam châm của la bàn sẽ mất bớt từ tính. Khi sử dụng nên nhẹ nhàng để bảo toàn sự chính xác của cây kim chỉ hướng.
3. Tìm phương hướng bằng la bàn (địa bàn):
Xoay La bàn sao cho cây kim màu đỏ (chỉ hướng Bắc) về vạch số 0 rồi xác định phương hướng.
Ví dụ xác định hướng nhà ở, đưa la bàn ra phía trước nhà, đứng nhìn thẳng về phía trước . Muốn cho THẬT CHÍNH XÁC thì cần vẽ một đường thẳng a song song với bức tường phía trước nhà, cách tường khoảng 2m. Xác định một đường thẳng b vuông góc với đường thẳng a (cách xác định ở phần ước đạc). Rồi đứng sao cho 2 gót chân chạm lên đường thẳng a, nhìn thẳng hướng của đường thăng b.
Có như vậy hướng nhìn thẳng về phía trước mới chính xác là hướng nhà. Sau đó cầm ngửa mặt la bàn lên trời, và phải cầm cho bằng phẳng, để kim la bàn có thể tự động xoay chuyển cho đến khi nó ngừng hẳn. Lúc đó mũi kim la bàn sẽ nằm ở chính BẮC (tức 0 độ). Rồi giữ nguyên như thế, nhưng đưa la bàn lên gần mắt, mắt nhìn thẳng về phía trước (nhưng xuyên qua mặt la bàn) thì sẽ biết hướng nhà là bao nhiêu độ. Nhớ là khi coi vẫn phải để ý 2 vấn đề là:
1/ Giữ cho la bàn bằng phẳng, để kim vẫn có thể di chuyển linh hoạt. Nếu để nghiêng la bàn thì kim sẽ bị “kẹt” và do đó sẽ chỉ sai hướng.
2/ Mũi kim của la bàn vẫn phải chỉ về chính BẮC (tức 0 độ), chứ không được xê dịch đi đâu cả. Thường thì trên mặt la bàn sẽ có 1 mặt kiếng có thể xoay được, trên đó cũng thường có 1 đường kẻ. Cho nên chỉ việc đưa la bàn lên gần mắt, giữ cho kim không còn xoay chuyển nữa, rồi xoay mặt kiếng cho đường thẳng vẽ trên đó thẳng với phía trước thì tuyến độ ngay chỗ đường thẳng đó chính là hướng nhà.
Tương tự, xác định hướng của con đường và xác định hướng của đường ấy trên bản đồ (phần bản đồ).
0 Nhận xét